Home/Góc phụ huynh/Dinh dưỡng – Sức khỏe cho trẻ/BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN SÁN CHO TRẺ

Dinh dưỡng – Sức khỏe cho trẻ

Trường mầm non Phong Lan

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN SÁN CHO TRẺ

mnphonglan 08/03/2024 Lượt xem: 16


 

Vì sao chúng ta đặc biệt là trẻ nhỏ thường hay bị nhiễm giun?

Trẻ em thường hiếu động hay bò chơi trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim. Bên cạnh đó, ở các vùng nông thôn, nhất là các vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi để trẻ có thể nhiễm cả giun móc, do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Vì vậy, hôm nay phòng y tế nhà trường thông báo đến các bậc phụ huynh những điều cần biết về bệnh này cũng như biện pháp phòng tránh nhiễm giun sán cho con em mình.

  1. Nguyên nhân

– Nguyên nhân chính là do giun sống trong ruột người, hàng ngày đẻ ra rất nhiều trứng. trứng theo phân người ra ngoài đất phát triển rồi quay lại nhiễm bệnh cho người khác và cho chính mình.

– Giun sán ẩn nấp trong các loại thực phẩm, thức ăn như: rau, củ, quả, thịt, cá trứng, ngay cả trong nước, không khí… Trong khâu chế biến thức ăn không đảm bảo thì nguy cơ bị nhiễm giun sán rất cao.

– Nguyên nhân là do trẻ ở bẩn, không được chăm sóc chu đáo, do trẻ ham chơi tay không sạch mút vào miệng, ngậm đồ chơi bám bụi bẩn, tay bẩn cầm bánh kẹo, ăn thức ăn không được nấu chín.

– Mặt khác, do ruồi nhặng bám vào chỗ bẩn, phân rác, rồi lại bám vào thức ăn mang theo trứng giun, từ đó trứng giun sẽ dễ dàng chui vào ruột trẻ và sinh sản rất nhanh.

  1. Đường lây bệnh giun

– Đường lây nhiễm giun đũa, giun tóc chủ yếu là qua đường miệng do chúng ta ăn phải thức ăn bẩn. Khi vào bụng chúng nở thành giun non. Nhờ hút các chất bổ ở ruột người, chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại đẻ trứng.

– Đường lây nhiễm giun móc chủ yếu qua da do trứng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi tiếp xúc trực tiếp với đất (như đi chân đất, tay nghịch đất hoặc ngồi lê la trên đất…..). Đôi khi ấu trùng cũng theo rau sống hoặc tay bẩn có dính đất qua miệng vào cơ thể.

Khi đã bị nhiễm trứng giun có ấu trùng vào cơ thể, trứng giun chu du qua một số bộ phận trong cơ thể sau đó đến ruột, trứng nở thành giun sinh trưởng và phát triển và gây ra một số tác hại sau đây

  1. Triệu chứng lâm sàng

– Khi trẻ bị nhiễm giun thường cơ thể  gầy ốm, xanh xao, thiếu máu, bụng to bè, chậm lớn.

– Khi bị nhiễm giun, giun còn tiết ra chất độc làm trẻ ăn uống kém, không muốn ăn, hay buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn, có khi nôn ra cả giun đằng miệng. Ngoài ra còn làm trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc cơ thể mệt mỏi, quấy khóc và lười vận động.

– Đau bụng vùng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng. Trường hợp có giun nhiều quá trong ruột có thể gây tắc ruột, hoặc giun di chuyển lung tung chui cả vào ống mật làm chúng ta đau bụng dữ dội.

– Rọi phổi bằng tia (X) thấy có đám mờ, dễ lầm với viêm phổi trong thời gian giun chui qua phổi; làm cho trẻ có thể bị ho kéo dài gầy gò, mệt mỏi.

– Trẻ bị nhiễm sán cũng làm cho các em bứt rứt, khó chịu vì sán lá; sán dây có nhiều đốt, đứt dần từng đốt và bò ra ngoài hậu môn.

  1. Tác hại của giun sán đối với cơ thể người

– Giun sán sống trong ruột người gây nhiều tác hại, nhất là với cơ thể trẻ em.

– Giun đũa, giun tóc chiếm thức ăn ở ruột làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, gầy yếu, chậm phát triển, kém thông minh. Ngoài ra giun còn tiết ra chất độc làm cơ thể bị nhiễm độc, xanh xao, vàng vọt, kém ăn. Đôi khi giun gây đau bụng và các biến chứng nguy hiểm khác như: Tắc ruột, lồng ruột do giun, giun chui ống mật, giun chui xuống ruột thừa gây viêm.

– Giun móc bám vào ruột, hút máu làm cơ thể các em bị thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi, chậm phát triển, học kém hay buồn ngủ trong giờ học…

– Hay ở các bé gái khi giun kim cái chui ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.

  1. Cách phòng tránh nhiễm giun cho trẻ

Muốn phòng ngừa nhiễm giun sán cần phải thực hiện tốt những việc sau:

  1. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi nghịch, tiếp xúc với đất.
  2. Luôn cắt móng tay sạch sẽ và không mút móng tay.
  3. Luôn đi giày, dép, không đi chân đất, không ngồi lê la trên đất .
  4. Không ăn hoa quả nếu hoa quả chưa rửa sạch.
  5. Không ăn thức ăn chưa nấu chín.
  6. Không uống nước chưa đun sôi.
  7. Không đại tiện, tiểu tiện bừa bãi.
  8. Vận động người dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh và không dùng phân tươi bón ruộng, nuôi cá.
  9. Nên tẩy giun 2 đến 3 lần trên năm, tức từ 4 đến 6 tháng 1 lần. Vận động mọi người trong nhà cùng tẩy giun.
  10. Thường xuyên vệ sinh trường, lớp, nhà cửa sạch sẽ.

 

                                                       Tác giả: Trường MN Phong Lan – Nguồn sưu tầm